Vào đêm Rằm tháng Hai tại rừng cây Sala, thôn Pava, xứ Câu Thi Na, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhập Niết bàn. Đối với bậc Chánh Đẳng Giác, các Ngài có thể thị hiện nhập diệt bằng mọi nhân duyên như bay lên hư không, thiền định nhập diệt,… Nhưng đối với Đức Phật Thích Ca, Ngài đã lựa chọn nhập diệt bằng nhân duyên chịu bạo bệnh, sau khi thọ thực bữa cơm cuối cùng có món mộc nhĩ độc do người thợ sắt Cunda cúng dường. Vậy tại sao Ngài lại chọn cách này? Xin kính mời quý Phật tử và các bạn cùng đón đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nhân duyên nhập diệt của Đức Thế Tôn! Tượng Phật Bổn Sư Thích Ca
Với tuệ giác siêu việt, Đức Phật biết trước rằng sau khi Ngài nhập Niết bàn, chúng sinh thời mạt Pháp sẽ có những quan điểm sai lầm, tà kiến. Cụ thể là quan điểm rằng người tu mắc bệnh sẽ không thể đắc đạo; người tu đã đắc đạo thì sẽ không mắc bệnh trước khi xả bỏ báo thân.
Đức Phật là Bậc Toàn Giác mà đến bữa cơm cuối cùng, thân Ngài đau khốc liệt. Ngài đã thị hiện thân bệnh để đem lại chính kiến cho chúng sinh rằng, người bị bệnh không phải là không đắc đạo và người đắc đạo không phải là không bị thân bệnh.
Qua đây, chúng ta hiểu thêm rằng sự nhập diệt của các bậc tu đắc đạo, mỗi vị một nhân duyên, chứ không phải người đắc đạo nào cũng kiết già thiền định, ra đi thân không bệnh.
Cùng với lòng từ bi đó, Đức Phật chỉ ra cho các vị tu hành được định tâm trong giây phút bạo bệnh cuối cùng của mình vẫn thực hành thiền định và chứng đắc ngay trong giây phút thiền định khi xả bỏ báo thân. Cho nên, đây là lòng từ bi vô lượng của Đức Phật.
Cúng ta muốn đi trên con đường của Đức Phật, muốn thành tựu Vô thượng Bồ đề thì chúng ta cũng thực tập như vậy – những gì khó khăn thì chúng ta làm, những gì dễ dàng, an lạc thì chúng ta phải dành cho đại chung.
Trên đường từ nhà thợ sắt Cunda đi Kusinara, Đức Thế Tôn nghỉ dưới gốc cây và ba lần chỉ dạy Ngài A Nan đi lấy nước uống ở một dòng sông đang bị khuấy đục. Khi Ngài A Nan đặt bình bát để múc nước thì dòng sông ngay lập tức trở nên trong lành. Điều hy hữu nhiệm màu ấy là nhờ năng lực công đức của Đức Thế Tôn . Từ đó, chúng ta có thể thấy Đức Phật thị hiện duyên này để khẳng định rằng: Người tu hành đắc đạo dù có mắc bạo bệnh thì năng lực công đức không hề tổn giảm, năng lực của tâm không bị ảnh hưởng.
Qua đó, người đệ tử Phật phải thấy được rằng, Lòng từ bi của Đức Phật quả thật là vô lượng, tới giây phút cuối cùng trước khi nhập diệt mà Ngài còn độ cho chúng sinh; không phải chỉ mình ông Cunda, hay Đại đức A Nan mà là tất cả chúng sinh trong các kiếp vị lai.